Nhà giàu châu Á ‘phòng thủ’ trong đại dịch

Nhà giàu châu Á ‘phòng thủ’ trong đại dịch

Không đổ xô săn tài sản giá hời trong đại dịch như phương Tây, các gia tộc châu Á lại muốn tài sản được quản lý theo cách “phòng thủ” để không mất tiền.

Tony Yeung là CEO của Peterson Group, nhà phát triển bất động sản và cũng là người thừa kế thế hệ thứ ba của công ty. Ông vẫn thường xuyên bay giữa châu Á và Âu để giúp mảng quản lý tài sản của công ty và săn thỏa thuận với các đối tác.

Tháng 9 năm ngoái – khi đường phố Hong Kong ngập khí hơi cay và người biểu tình, Tony Yeung vẫn tin tưởng kinh tế thành phố này sẽ phục hồi sau cuộc khủng hoảng. Còn hiện tại thì không. Yeung lo ngại kinh tế không thể phục hồi nhanh chóng sau sự tàn phá của Covid-19.  

Trong lúc giới nhà giàu Mỹ và châu Âu đổ xô đi mua các tài sản với giá hời, các gia đình ở phương Đông lại thận trọng hơn, khi quản lý tài sản và tích trữ tiển mặt để chuẩn bị cho kịch bản xấu. 

“Trước tiên, chúng tôi giám sát danh mục đầu tư một cách thận trọng nhất và sau đó đưa mọi thứ về tư thế phòng thủ. Chấp nhận bỏ lỡ một cơ hội, để giảm nguy cơ mất tiền”, Yeung chia sẻ

Sự không sẵn sàng của một số gia tộc giàu có hàng đầu châu Á với các thỏa thuận tiềm năng là một chỉ báo cho kinh tế toàn cầu. Trong khi, hãng quản lý tài sản cho gia tộc ở châu Âu vẫn đang quản lý tiền như các công ty đầu tư thông thường, phía châu Á lại có xu hướng mới hơn – khi vẫn coi các mảng kinh doanh ban đầu là trọng tâm. Điều này cho thấy một góc nhìn trực diện về kinh tế hiện tại – từ ngành khách sạn, bán lẻ cho đến sản xuất có thể không phục hồi nhanh chóng sau suy thoái.

Theo Campden Research, tính đến giữa năm ngoái, hơn 7.300 công ty quản lý tài sản cho các gia tộc nắm giữ 5.900 tỷ USD. Dù cấu trúc và bản chất khác nhau, mục đích chung của các doanh nghiệp này vẫn là bảo vệ và phát triển tài sản. Điều này giúp họ có cái nhìn dài hạn trong các giai đoạn thị trường rối loạn.

Joseph Poon, người đứng đầu DBS Private Bank tại Singapore cho biết nhiều khách hàng của ông – các hãng quản lý tài sản cho gia tộc ở châu Á ban đầu triển khai chiến lược tương tự hồi dịch SARS năm 2003 – chứng kiến kinh tế phục hồi sau vài tháng. Tuy nhiên, khi đại dịch lần này lan rộng và các thiên đường an toàn tài chính biến mất, các công ty có hoạt động kinh doanh rộng nhanh chóng nhận ra đây sẽ là một đòn đánh hoàn toàn khác.

“Với những gì diễn ra trên thị trường, nhiều người đang coi doanh nghiệp của họ như một con chim hoàng yến trong hầm mỏ. Nhìn chung họ cẩn trọng, họ tin rằng còn nhiều điều tiêu cực hơn và tăng dự trữ tiền mặt”, Joseph Poon nói.

Mối lo ngại chính của nhiều người là làn sóng thất nghiệp và tác động xấu đến chi tiêu của người tiêu dùng. Riêng tại Mỹ, chỉ sau hơn 5 tuần đã có 26,5 triệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp.

AJ Capital Asset Management, đơn vị quản lý tài sản cho gia đình Jhunjhunwala từng định cung cấp các khoản vay cho doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các nước như Ấn Độ. Tuy nhiên, Anubhav Gupta, người giám sát các khoản đầu tư cá nhân tại công ty này cho biết nhiều trường hợp trong kế hoạch này đã bị hoãn lại.

Hãng quản lý tài sản này cảnh giác hơn với các thỏa thuận. Các khoản vay sẽ ưu tiêu cho các doanh nghiệp lớn hơn với tài sản có thể sử dụng để đảm bảo.

Robin Pho, thành viên hội đồng quản trị của Family Business Network Asia cho biết một số gia tộc giàu có yêu cầu bán bớt tài sản để tăng dự trữ tiền mặt. “Nhiều người chắc chắn đang siết chặt hầu bao và tập trung vào trọng tâm. Các thỏa thuận sẽ giảm đi bởi mọi người thận trọng, muốn chờ và theo dõi”, ông nói.

Yeung khuyên các nhà đầu tư nên cẩn thận trước khi kí các thỏa thuận lớn vào thời điểm không chắc chắn. Giá dầu sụp đổ và sự thay đổi nhanh chóng biện pháp phong tỏa của các nước cho thấy giá phải trả cho một khoản đặt cược sai có thể là thảm họa.

“Nếu các gia tộc mạnh dạn và cho rằng đây là cơ hội của cuộc đời, có thể tăng gấp ba lần tài sản, họ phải thực sự hiểu những rủi ro đang gặp phải. Các vấn đề và tác động kinh tế thực sự chưa xuất hiện, sẽ dần lộ ra trong vài tháng tới và khi đó, chúng tôi sẽ xem xét hiệu quả chính sách cứu trợ của các nước”, Yeung nói.

Tú Anh (theo Bloomberg)

Tony Yeung. Ảnh: Bloomberg

Tony Yeung – CEO của Nhà phát triển bất động sản Peterson Group. Ảnh: Bloomberg.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

review cong ty