Cơn sốt thực phẩm đen

Cơn sốt thực phẩm đen

Bánh mì đen, lạp xưởng đen, bánh trung thu đen… đã và đang trở thành món ăn được nhiều khách ưa chuộng gần đây.

Thực phẩm có màu đen đang được khá nhiều người tiêu dùng ưa chuộng vì chúng lạ mắt và được cho rằng có dinh dưỡng cao. Để tạo màu sắc độc đáo này, nhiều cơ sở bán bánh mì đen cho biết dùng tinh bột than tre trộn với bột mì. Tinh than tre được làm từ một giống tre có tên Mosochiku và là một nguyên liệu rất gần gũi với ẩm thực của người Nhật. Chính màu đen của tinh than tre đã nhuộm sắc đen cho toàn bộ chiếc bánh mì.

Đang khá thành công với việc bán bánh mì đen ở Hạ Long, Tuấn – chủ tiệm bánh ở đây nói, mỗi ngày bán được 300-700 ổ, mỗi ổ có giá 25.000-45.000 đồng. Vỏ ngoài màu đen được tạo ra từ bầu mực và tinh than tre.

Theo Tuấn, sở dĩ bánh trở thành cơn sốt ngoài sự độc đáo, lạ miệng còn vì nhiều khách hiếu kỳ mà tìm đến.

Không chỉ ở miền Bắc, bánh mì đen hay còn gọi là bánh mì “bóng đêm” cũng được bán chạy ở TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu bán và được thực khách đón nhận. Như tại cửa hàng bánh mì than tre của Trần Minh Hiếu nằm trên Đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận, TP HCM đang bán hơn 1.000 ổ mỗi ngày.

Hiếu cho biết được người bạn đi Nhật về gợi ý nên quyết tâm làm thử nghiệm. Anh phải mất một tuần nghiên cứu mới cho ra sản phẩm thành công. Mỗi ổ bánh mì không được Hiếu bán với giá 5.000 đồng, còn bánh mì thịt 22.000 đồng.

Ngoài ra, bánh trung thu đen cũng đắt khách trong dịp Tết Trung Thu năm nay. Chị Hằng, chủ cơ sở bánh Trung Thu ở quận 3 cho biết, năm nay chị tung ra thị trường khoảng 3.000 bánh trung thu than tre đều được bán hết trước Tết Trung Thu 1 tuần.

Theo chị Hằng, trong các dòng sản phẩm mà cơ sở chị sản xuất, bánh trung thu đen bánh chạy nhất dù giá có cao hơn hàng thông thường.

Bên cạnh bánh mì, bánh trung thu đen thì lạp xưởng đen Đài Loan, Hong Kong hay mì đen Hàn Quốc thời gian gần đây cũng được khách săn lùng. Tuy nhiên, loại này nhập khẩu về số lượng có hạn nên chỉ khách nào đặt trước mới có hàng.

Ngoài sản phẩm nhập khẩu, nhiều cơ sở sản xuất ở Việt Nam cũng làm lạp xưởng đen nhưng số lượng còn hạn chế. Theo một cơ sở sản xuất ở miền Tây, hiện lạp xưởng đen của họ sản xuất ra không đủ bán. Mỗi ngày chỉ làm được khoảng 10 kg nên chỉ đủ đáp ứng cho khách quen.

Ông Mai Trường Giang, chủ doanh nghiệp sở hữu chuỗi bánh Chewy Chewy và gà rán Otoke Chicken cũng từng thử nghiệm làm hamburger đen tại chuỗi Oteke Chicken nhưng đã ngưng vì lượng bán ra thấp. Hiện nay, cửa hàng chỉ còn duy trì bán kem than tre.

Theo ông Giang, xu hướng sử dụng tinh bột than tre kết hợp với các loại bột để tạo màu độc đáo cho thực phẩm được nhiều nước áp dụng cách đây vài năm. Đây cũng là nguyên liệu tốt cho sức khỏe nên được người tiêu dùng quan tâm.

Tuy nhiên, theo ông, cũng vì chạy theo trào lưu nên vấn đề an toàn thực phẩm tại các cơ sở sử dụng tinh than tre khó kiểm soát. Nhiều cơ sở ham rẻ mua hàng trôi nổi có nguồn gốc từ Trung Quốc sẽ khiến sản phẩm làm ra kém chất lượng và gây tổn hại cho người tiêu dùng.

Do đó, ông cho rằng nếu ồ ạt sản xuất các sản phẩm thực phẩm đen theo trào lưu như hiện nay, người tiêu dùng sẽ nhanh nhàm chán và hoạt động kinh doanh sẽ không hiệu quả.

“Việc kinh doanh theo trào lưu sẽ khó bền vững và chỉ duy trì được trong thời gian ngắn. Sau quá trình cạnh tranh chỉ còn sót lại những thương hiệu lớn và cơ sở làm sản phẩm chất lượng”, ông Giang nhận xét.

Thi Hà

Bánh mì đen tại thành phố Hạ Long. Ảnh: Bamimo

Bánh mì đen tại thành phố Hạ Long. Ảnh: Bamimo.

Kem than tre một thời  tạo cơn sốt. Ảnh: Benuscream.

Kem than tre một thời tạo cơn sốt. Ảnh: Benuscream.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

review cong ty