Cao ốc đua nhau thế chỗ nhà máy di dời

Cao ốc đua nhau thế chỗ nhà máy di dời

Hà NộiQuỹ đất của các trụ sở hành chính di dời thay vì dùng làm công trình công cộng, nhanh chóng được chuyển đổi thành dự án cao tầng.

Thực tế này được nêu tại báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về việc thi hành Luật Thủ đô. Theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô thì khu vực nội đô lịch sử được xác định là nơi hạn chế phát triển nhà ở, công trình cao tầng, giảm mật độ xây dựng và cư trú. Hà Nội đã ban hành quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô này. Nhưng báo cáo của Chính phủ chỉ ra, thay vì phát triển các khu vực công cộng thì khu vực này lại “mọc” lên nhiều dự án chung cư cao tầng, tạo thêm áp lực gia tăng dân số, quá tải hạ tầng kỹ thuật, xã hội trong khu vực nội đô.

Thống kê sơ bộ tại 3 quận nội thành là Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa thì nhiều dự án nhà cao tầng đã và đang được xây dựng, thành trung tâm thương mại, văn phòng, căn hộ cao cấp…

Chính phủ nhìn nhận, công tác di dời, quản lý quỹ đất sau khi di dời với một số cơ quan, tổ chức thực hiện chưa nghiêm theo quyết định 130/2015 của Thủ tướng. “Tiến độ di dời chậm, quỹ đất sau khi di dời chưa được bàn giao lại cho thành phố để ưu tiên xây dựng, phát triển các công trình công cộng theo quy định tại Luật Thủ đô”, báo cáo của Chính phủ nhận xét. 

Thay vào đó, nhiều dự án nhà thương mại, chung cư cao tầng được xây dựng trên nền đất sau khi di dời. Dẫn ví dụ trên trục đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân), báo cáo nêu, trước đây là nơi đặt trụ sở, nhà xưởng của các ngành công nghiệp như Cao su sao vàng, Xà phòng, Thuốc lá Thăng Long, Dệt Mùa đông, Xe đạp thống nhất… nay là những dự án tổ hợp nhà liền kề, trung tâm thương mại và căn hộ thương mại với quy mô, mật độ rất lớn.

Ngoài ra, thành phố Hà Nội cũng đã xem xét, giới thiệu địa điểm, quỹ đất để đầu tư xây dựng các bệnh viện tuyến trung ương, cơ sở giáo dục, trụ sở làm việc của 9 bộ, ngành trung ương. Nhưng đến nay mới có Đại học Y tế công cộng là đơn vị duy nhất thực hiện di dời, và khu đất sau di dời lại được chuyển đổi xây dựng tổ hợp dự án nhà cao tầng. Hai bệnh viện tuyến trung ương gồm Bệnh viện K cơ sở 2 và Bệnh viện Nội tiết đã xây dựng cơ sở mới, song vẫn tiếp tục sử dụng cơ sở cũ trong nội thành.

Còn trong số 9 bộ, ngành thì 7 cơ quan vẫn tiếp tục giữ lại trụ sở làm việc cũ, 2 cơ quan còn lại được chấp thuận chuyển đổi mục đích sang đầu tư xây dựng nhà ở, văn phòng cao tầng… 

Với phát triển giao thông, hiện tỷ lệ đất dành cho giao thông của Hà Nội còn quá thấp, mới đạt gần 8,7% đến hết năm 2018, bằng một phần ba mức trung bình thế giới (25%).

Mỗi năm dân số Hà Nội tăng gần 200.000 người, trong khi tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ chỉ tăng 3%, quỹ đất dành cho giao thông chưa đến 1%. Việc mở rộng các tuyến giao thông khu vực nội đô là rất khó khăn, cộng thêm chi phí đền bù giải tỏa để mở rộng các tuyến đường rất cao, gây sức ép lên ngân sách thành phố.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Uỷ ban Pháp luật tỏ ra sốt ruột, sau 6 năm thực hiện Luật Thủ đô, 2 lần sơ kết, báo cáo của Chính phủ đều nhận định rằng, khu vực nội thành Hà Nội được xác định là khu vực hạn chế phát triển nhà ở, công trình cao tầng. Song, thực tế nhiều dự án chung cư cao tầng vẫn tiếp tục được xây dựng tại khu vực này. Quỹ đất của các cơ quan hành chính, nhà máy, xí nghiệp sau di dời không được bàn giao cho thành phố để ưu tiên xây dựng các công trình công cộng theo Luật Thủ đô, thay vào đó chuyển đổi mục đích xây dựng các tổ hợp thương mại, nhà cao tầng…

Cơ quan tham mưu của Quốc hội đề nghị Chính phủ và chính quyền Hà Nội có chính sách đột phá huy động nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội, xây dựng các khu đô thị, thành phố vệ tinh, nhà ở ngoại thành. Chính quyền thành phố cũng cần rà soát lại những dự án chung cư trong nội thành đang được cấp phép, cho xây dựng, các dự án đã xây dựng nhưng bỏ hoang… 

Hà Nội cần khẩn trương ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch, kiến trúc đối với khu vực cải tạo, tái thiết đô thị tại các quận nội đô lịch sử (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng). “Trong quy hoạch, kiến trúc, cần hạn chế, thậm chí không cho phép xây dựng các tòa nhà chung cư cao tầng trong nội đô để hạn chế tình trạng tăng dân số cơ học trong nội thành”, Uỷ ban Pháp luật kiến nghị.

Anh Minh

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

review cong ty