Tôm nuôi lấp vụ cũng ‘dính đòn’

Tôm nuôi lấp vụ cũng ‘dính đòn’

Vụ tôm 2012, Trà Vinh có gần 11.000 héc ta tôm nuôi bị thiệt hại với tổng giá trị trên 800 tỷ đồng. Vụ nuôi chính bị thiệt hại nên thả nuôi tiếp không cần tới mùa vụ thì tôm vẫn chết.

Để khôi phục diện tích nuôi, tạo nguồn nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu ngành nông nghiệp tỉnh có kế hoạch thả nuôi lấp vụ nhưng tôm nuôi lấp vụ (vụ nuôi chính bị thiệt hại nên thả nuôi tiếp mà không cần chờ tới mùa vụ) cũng tiếp tục “dính đòn” chết trên diện rộng.

Thăm ao tôm nuôi thả lấp vụ hơn 15 ngày tuổi, ông Nguyễn Thanh Tùng, một hộ nuôi tôm tại xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, Trà Vinh than thở: “Tính thả lấp vụ để “gỡ nợ” vụ tôm chính, ai ngờ tôm lấp vụ cũng chết đứng luôn. Bây giờ chỉ biết phó mặt cho trời chứ tôi cũng không còn cách nào cứu nữa rồi”.

Không chỉ ông Tùng, hàng trăm hộ nuôi tôm ở các xã Mỹ Long Nam, Hiệp Mỹ Tây của huyện Cầu Ngang hay huyện Duyên Hải cũng chịu chung cảnh tôm nuôi lấp vụ chết trắng đồng.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh, tính đến nay toàn tỉnh đã thả nuôi được 2,3 tỷ con tôm giống với diện tích 28.000 héc ta, trong đó có 39% diện tích thả nuôi và 50% số lượng tôm giống bị thiệt hại, tương đương gần 11.000 héc ta tôm nuôi bị chết.

Riêng đối với tôm nuôi lấp vụ, ông Phạm Minh Truyền, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh cho biết: “Tính đến nay, tỉnh đã thả nuôi lấp vụ được 400 triệu con tôm giống, tương đương diện tích thả nuôi là 6.000 héc ta, tuy nhiên sau khi thả nuôi lấp vụ không bao lâu thì hiện tương tôm chết lại tiếp diễn. Tính đến giữa tháng 8 này đã có 17% diện tích thả nuôi bị thiệt hại, tương đương có trên 1.000 héc ta”.

“Tới nay, tôm nuôi vẫn chưa có dấu hiệu ngưng chết, nó cứ chết lai rai hoài vậy đó. Bước đầu chúng tôi xác định tôm chết do bị bệnh hoại tử gan tụy gây nên”, ông Truyền cho biết.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 2, cho biết “Vẫn chưa tím ra được biện pháp nào để khắc phục hiện tượng tôm chết một cách hiệu quả nhất”.

Theo tiến sĩ Hảo, Viện nuôi trồng thủy sản 2 đang phối hợp với một số chuyên gia nước ngoài tiến hành lấy mẫu thử nghiên cứu, xác định nguyên nhân gây ra bệnh trên tôm nước lợ, từ đó tìm ra biện pháp chữa trị kịp thời nhưng đến nay công tác này vẫn đang trong quá trình thử nghiệm.

Trong khi đó, để khắc phục hiện tượng tôm chết, trước mắt Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh cho thả nuôi thử nghiệm một vài loại thủy sản mới như tôm thẻ chân trắng, cua biển và tôm càng xanh ngay trong vùng dịch thay thế con tôm sú để đánh giá mức độ thích nghi cũng như thiệt hại để có kế hoạch mở rộng diện tích nuôi trong những vụ nuôi kế tiếp.

Ông Truyền từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh cho biết: “Ngoài việc kết hợp với các viện, trường để tiếp tục nghiên cứu lấy mẫu phân tích tìm ra nguyên nhân tôm chết. Trước mắt chúng tôi cho xây dựng mô hình nuôi trong vùng dịch như: nuôi tôm chân trắng, cua biển, tôm càng xanh để đánh giá tình hình, tiến tới thay thế con tôm sú”.

Con tôm không còn rộng đường bơi

(Thời báo kinh tế Sài Gòn)

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

review cong ty